Nếu bạn đã nắm rõ các tác hại của việc thiếu sáng cùng những yếu tố tác động đến ánh sáng tự nhiên, đồng thời biết được một số phương pháp để cải thiện nhanh chóng tình trạng ánh sáng của căn phòng (xem bài viết tại đây) thì hôm nay, hãy cùng Oir Design tìm hiểu một số bí quyết thiết kế và cải tạo ánh sáng nhé.
☀️ Tips để thiết kế và cải tạo một ngôi nhà đầy nắng
(1) Hiểu cách ánh sáng tương tác với kiến trúc:
Cửa sổ, cửa sổ trần, giếng trời và các loại màng kính đều có thể là những phương tiện tuyệt vời để thu hút ánh sáng vào nhà, tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bạn cần nắm được cách mà các nguồn ánh sáng sẽ tương tác với các thành phần trong không gian nhà như thế nào.
Bằng cách này, bạn có thể lựa chọn nơi để đặt các yếu tố thiết kế nhất định, tăng tính thẩm mỹ của ngôi nhà cũng như là sự thích thú hàng ngày của bạn thông qua các tương tác sinh động từ ánh sáng tự nhiên.
Ví dụ, khi suy nghĩ về cách bố trí và hướng của ngôi nhà, bạn cần lưu ý xem ánh sáng mặt trời đến từ những hướng nào vào buổi sáng và buổi tối. Điều này sẽ cho phép bạn và kiến trúc sư có thể sắp xếp các không gian chính một cách cẩn thận để tận dụng tối đa ánh sáng vào những thời điểm này trong ngày. Chẳng hạn: hướng nhà bếp sao cho đón ánh sáng ban mai có thể giúp bạn cảm nhận được sự hứng khởi buổi sáng cùng sự ấm áp khi cùng gia đình quây quần xung quanh. Hay tương tự, vào buổi tối, nếu có ánh sáng hoàng hôn nhẹ nhàng tỏa chiếu vào nhà, nó không chỉ gợi nên chất thơ mà còn có thể giúp bạn thư giãn sau một ngày bận rộn. Bằng cách này, bản thân kiến trúc, kết hợp với ánh sáng, trở thành một loại đồng hồ sống cho căn phòng và ngôi nhà của bạn.
Bạn có thể xem lại một số lưu ý về hướng của căn phòng tại đây để đưa ra các sắp xếp hợp lí cho ngôi nhà mình.
(2) Thiết kế phòng sinh hoạt chung ở tầng trên:
Trong trường hợp xây dựng nhà riêng ở trung tâm đô thị, nơi mà các tòa nhà chọc trời có xu hướng dày đặc, che lấp mất nhiều nguồn ánh sáng, thay vì xây dựng phòng khách hay phòng sinh hoạt chung, phòng trẻ em, vốn dĩ là những không gian có thời gian sinh hoạt ban ngày dài, ở tầng trệt, bạn có thể đưa nó lên tầng hai hoặc tầng ba để lấy sáng tốt hơn.
(3) Chọn lựa nội thất hợp lí:
- Chọn đồ nội thất có màu sáng hoặc trong suốt:
Một căn phòng nhỏ, tối tăm thì lựa chọn một chiếc ghế sofa lớn, màu xám hoặc xanh nước biển đậm có lẽ sẽ không phải là ý tưởng tốt nhất mà thay vào đó, bạn có thể lựa chọn một chiếc ghế sofa hiện đại, nhỏ gọn với tông màu sáng hơn như trắng, be hoặc ngà sẽ khiến căn phòng của bạn trông rộng và thoáng hơn rất nhiều.
Quan trọng hơn, hãy tránh những chiếc bàn, khung giường hay kệ tivi bằng gỗ óc chó cho căn phòng thiếu sáng của mình.
- Chọn đồ nội thất tối giản, thấp:
Việc nhồi nhét một căn phòng vốn đã tối với đồ nội thất quá khổ sẽ tạo ra nhiều bóng hơn, dẫn đến cảm giác căn phòng thậm chí còn tối hơn so với thực tế. Để tránh điều này, bạn nên mua đồ nội thất tối giản và nằm thấp so với mặt đất, đồng thời đặt chiều cao tối đa cho đồ nội thất của bạn và đảm bảo rằng mỗi món đồ nằm dưới chiều cao đã đặt.
(4) Tận dụng gương:
Một lời khuyên lâu đời mà ai cũng biết đó là sử dụng gương để mở rộng không gian thị giác và làm sáng căn phòng tối. Tuy nhiên, để sử dụng gương của bạn một cách tối đa tiềm năng của nó, hãy đảm bảo bạn đặt gương một cách chiến lược gần các nguồn sáng.
Ví dụ, một tấm gương lớn ở tường hay sàn đặt gần cửa sổ có thể giúp khuếch đại ánh sáng tự nhiên lý tưởng. Nếu điều kiện ánh sáng không quá gay gắt, bạn có thể đặt gương đối diện trực tiếp với cửa sổ, tạo ra hiệu ứng cửa sổ thứ hai trong một không gian, tất nhiên là phương án này cần sự cân chỉnh và cẩn trọng hơn.
(5) Tận dụng kính:
Bên cạnh gương, kính cũng là một lựa chọn phổ biến để tăng sáng cho không gian sống. Bạn có thể tận dụng kính bằng nhiều cách thú vị khác nhau để tạo thêm sự sinh động cho phòng. Chẳng hạn:
- Tùy chọn cửa ra vào dạng kéo/ trượt đơn giản để tạo tường kính:
- Thay thế tường gạch bằng các loại gạch block kính (gạch block thủy tinh:
Thay thế các phần của bức tường bên ngoài bằng các tấm kính giúp mang lại lượng ánh sáng tự nhiên hợp lý tại nơi vốn dĩ sẽ không có ánh sáng nào lọt vào.
- Thay thế tường đặc bằng kính:
Nếu bạn đang cố gắng liên kết hai phần của nhà với nhau, đồng thời tăng ánh sáng tự nhiên thì bức tường bằng kính là sự bổ sung hoàn hảo cho ngôi nhà bạn. Thay vì một hành lang bằng gạch hoặc các vật liệu xây dựng khác thường tối và cần bổ sung ánh sáng nhân tạo, một liên kết bằng kính tràn ngập không gian với ánh sáng sẽ là một điểm nhấn thú vị và hoàn thành tốt chức năng tăng sáng cho nhà.
(6) Bông gió:
Bông gió hay gạch thông gió là một trong những vật liệu được ứng dụng rất nhiều trong kiến trúc của Việt Nam từ rất lâu và chưa bao giờ là quá xưa cũ vì các ưu điểm: đơn giản, giúp lấy sáng, lấy gió và trang trí rất tốt; đồng thời chi phí sử dụng cũng rất hợp lí, không quá cao so với cách vật liệu lấy sáng khác.
So với kính, bông gió còn có một ưu điểm là hạn chế bức xạ trực tiếp qua không gian nội thất thông qua các khoảng trống của hoa văn nhưng đồng thời, vẫn đảm đảo được độ sáng tự nhiên lí tưởng, cực kì thích hợp những khi ánh sáng quá gay gắt gây khó chịu cho người ở trong phòng.
(7) Cửa và cửa sổ:
- Thêm cửa sổ:
Để cải thiện môi trường và tận dụng tốt nguồn sáng tự nhiên thì việc lắp đặt nhiều cửa sổ nhỏ khá phổ biến. So với việc lắp đặt một cửa sổ lớn duy nhất, nhiều cửa sổ nhỏ giúp bạn dễ dàng điều chỉnh ánh sáng ban ngày và có tính thu hút cũng cao hơn.
Đối với những nơi không được ánh sáng mặt trời chiếu vào thì cửa sổ trần lại là một sự lựa chọn hợp lí hơn. So với việc lắp đặt cửa sổ trên tường, thì lượng ánh sáng tự nhiên mà cửa sổ trên trần đem lại cao hơn, đồng thời mở ra cảm giác rộng rãi cho cả căn phòng. Ngoài ra, cửa sổ trần cũng mang lại nhiều ánh sáng một cách nhất quán hơn hầu hết các cửa sổ vì cửa sổ trần ít bị che bởi các vật thể bên ngoài và ánh sáng mặt trời phản chiếu từ các đám mây chiếu thẳng vào nhà.
Khi lắp đặt cửa sổ trần, hãy cân nhắc xem bạn sẽ cần nhiều ánh sáng ban ngày nhất trong một căn phòng cụ thể ở đâu và khi nào.
? Tips: Nếu bạn không có không gian cho cửa sổ trần bạn cũng có thể xem xét các phương tiện như Solatube, một loại thiết bị chiếu sáng ban ngày dạng ống thay thế cho cửa sổ trần và các phương pháp khác để mang lại ánh sáng tự nhiên.
- Chọn cửa có một phần là cửa sổ/ cửa kính:
Nếu bạn đang tìm cách để lấy ánh sáng tự nhiên vào một căn phòng không có cửa sổ, hãy cân nhắc đến việc hoán đổi cánh cửa hiện có sang một cánh cửa có một phần là cửa sổ/ cửa kính.
(8) Giếng trời:
Giếng trời không còn là một khái niệm xa lạ trong kiến trúc Việt Nam, đặc biệt là khu đô thị, nơi mà nhà ở thường có xu hướng dài để bù đắp cho bề ngang hạn chế, do đó thường dễ tù và thiếu sáng. Trong những trường hợp như vậy, giếng trời là một giải pháp cực kì tối ưu, vừa mang tính chức năng giúp đảm bảo ánh sáng và sự thông thoáng cho nhà, vừa mang tính phong thủy cho gia chủ.