Bỏ qua để đến Nội dung

Bí kíp chống ồn cho nhà: Phần 2- Giải pháp thiết kế chống ồn hiệu quả

Ở bài viết trước, chúng ta đã điểm qua rất nhiều phương pháp có thể ứng dụng ngay trong ngôi nhà của bạn mà không phải động chạm sửa sang ảnh hưởng đến kết cấu ngôi nhà (xem bài viết tại đây).  Tại bài viết này, nếu như bạn đang chuẩn bị cho việc xây nhà, đừng bỏ qua các giải pháp thiết kế chống ồn hiệu quả nhé.

Trường hợp 2: Bạn xây dựng dựng mới cho nhà hoặc bạn có thể cải tạo lại nhà hoặc căn hộ:

Âm thanh truyền đi theo từng đợt và có thể dễ dàng len lỏi vào các ngõ ngách không gian mà chúng không được hoan nghênh. Để ngăn chặn hay hạn chế âm thanh một cách tối đa, bạn cần có các biện pháp hiệu quả nhằm cách âm, tiêu âm cũng như giảm rung do âm thanh lan truyền.

Do cách âm thông qua các vật cản tiếng ồn thường làm âm thanh bị phản xạ lại và vang vọng, phương pháp tiêu âm thông qua các vật liệu hấp thụ vẫn được ưu tiên sử dụng hơn cả khi thiết kế và xây dựng. Thông thường, người ta hay đóng trần và tường bằng bông thủy tinh hoặc xốp. Tuy nhiên, ngày nay thì bạn có thể làm nhiều thứ hơn nữa.

(1) Hãy suy nghĩ về cách sắp xếp của các căn phòng trong nhà!

Đầu tiên, trước khi đến với các biện pháp khác từ vật liệu chuyên dụng, đừng bỏ qua các giải pháp giảm tiếng ồn đến từ việc thiết kế không gian nhà/ căn hộ sao cho hợp lí và tiện lợi nhất.

Có thể nói, sắp xếp vị trí các phòng trong nhà cũng một điều quan trọng cần xem xét để giảm thiểu tiếng ồn. Nhìn chung thì bạn nên bố trí các phòng cần yên tĩnh càng xa các nguồn ồn (cả nguồn bên trong và bên ngoài) càng tốt, nhưng hãy cẩn thận để không ảnh hưởng đến định hướng của các không gian này, chẳng hạn:

  • Xác định vị trí các khu vực như chỗ để xe, hành lang và không gian tiện ích giặt là và phòng tắm của bạn ở “phía ồn ào” của ngôi nhà.
  • Giảm thiểu việc lắp kính ở “phía ồn ào”.
  • Sử dụng không gian lưu trữ để tạo ra các rào cản âm thanh giữa các không gian trong nhà.

Ngoài ra, đừng quên cân nhắc cách bố trí theo chiều dọc cũng như bố trí theo chiều ngang để cách âm cho ngôi nhà của bạn.

Bố cục thẳng đứng tốt để cách âm với các phòng ồn ào – phòng giặt ở tầng dưới và phòng tắm ở tầng trên. Cre pic: houseplanshelper

(2) Tránh tạo ra những khoảng trống lớn trong ngôi nhà của bạn!

Tiếp theo, để không tạo cơ hội cho âm thanh có thể truyền tải dễ dàng, hãy tránh thiết kế trần nhà cao, hành lang dài không có cửa sổ và cầu thang và tránh đặt chúng gần phòng sinh hoạt, giải trí và phòng ngủ của bạn. Mặc dù nó sẽ giúp ngôi nhà thêm phần hoành tráng hơn nhưng mặc khác, chúng cũng sẽ làm cho âm thanh có khả năng bị dội lại cao gây khó chịu. Do đó, bạn có thể tạo nên những căn phòng ấm cúng hơn với trần thấp hơn hoặc lắp thêm trần giả.

Mặt khác, nếu bạn vẫn thích kiểu thiết kế với trần nhà cao và hành lang dài, bạn vẫn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, cần đảm bảo bạn có đủ ‘đầu ra’ cho âm thanh bằng cách lắp một vài cửa sổ hoặc một số các thủ thuật khác.

Hành lang dài có thể tăng sự sang trọng cho ngôi nhà bạn,. Tuy nhiên, để âm thanh không dội lại gây khó chịu, nên bố trí thêm cửa sổ dọc hành lang. Cre pic: Pinterest

(3) Nhân đôi tường/ sàn/ trần: 

Như thông tin ở phần trước, bề mặt càng dày thì khả năng cách âm càng tốt. Do đó, thay vì phải tự thêm vào các loại tường DIY như chia sẻ ở bài viết trước, bạn có thể chủ động tạo thêm 1 lớp tường chắc chắn và hiệu quả hơn từ khi xây dựng thô căn hộ hay nhà ở nhằm giảm tiếng ồn đáng kể. Phương pháp này cũng có thể được sử dụng cho sàn hoặc trần nhà.

Tường: Để tăng tính cách âm, thông thường, người ta thường sẽ dùng gạch block (gạch rỗng) để xây tường với ưu điểm bền, rẻ mà lại rỗng phía trong nên hạn chế âm thanh chèn qua tốt hơn, kết hơp cùng phần vách thạch cao với ở giữa là các vật liệu cách nhiệt cách âm như mút, xốp, bông thủy tinh vv...

Tấm vách thạch cao cách âm sử dụng lớp bên trong bao gồm thạch cao, viscoelastic và gốm sứ (ceramic), giúp hạn chế khả năng truyền âm hơn. Cre pics: The Spruce, Angi

Trần: Bên cạnh phương pháp lắp thêm trần giả và trần thạch cao, bạn còn có thể tăng cường hiệu quả cho việc chống ồn bằng cách sử dụng các tấm thạch cao đục lỗ tiêu âm ẩn cho trần. Các tấm đục lỗ này giúp hấp thụ và hạn chế sự lan truyền của âm thanh. Tương tự, bạn có thể thêm vài cm của những tấm này lên tường của bạn để tăng tính cách âm cho căn phòng.

Tấm tiêu âm là một trong những lựa chọn thường gặp nhất khi xây dựng, có thể dễ dàng bắt gặp trong các công trình cần sự yên tĩnh cao như văn phòng. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể áp dụng cho ngôi nhà của mình. Cre pics: Accurate Perforating & India Mart

Ngoài tấm thạch cao tiêu âm, bạn còn có một sự lựa chọn khác là gỗ tiêu âm vốn thường được ứng dụng nhiều trong các rạp hát, rạp chiếu phim – những nơi thường có yêu cầu rất cao về mặt âm thanh để khán giả có trải nghiệm tốt nhất.

Gỗ tiêu âm có công dụng cực kì tốt trong việc hấp thu các tạp âm bên ngoài, trả lại những không gian ngập tràn các thanh âm mà bạn muốn. Cre pics: Acoustic Sound Insulation & India Mart & Gustafs

Sàn:  Khi lắp đặt sàn phụ (sub-flooring), đừng bỏ quên lớp lót sàn (floor underlayment) để tối ưu chống ồn cho sàn nhé.

Hầu hết khi lắp đặt sàn, mọi người thường hay để lớp ván ép mỏng nhất dưới mặt sàn thay các lớp lót sàn. Tuy nhiên, ván ép là một vật liệu có tính phản xạ cao nên sẽ không hấp thụ bất kỳ tiếng ồn tác động nào phát ra. Hơn nữa, vì hầu hết mọi người không dành thời gian để bôi chất bịt kín giữa các tấm ván ép nên âm thanh rất dễ dàng truyền qua. Do đó, một gợi ý cho phần sàn chống ồn hiệu quả mà trang soundproofliving gợi ý để bạn có thể tham khảo:

  • Mặt sàn/ Lớp phủ sàn (ván sàn gỗ, gạch lát, lớp phủ Linoleum hoặc bất kỳ tùy chọn lát sàn nào khác mà bạn có thể đã lắp đặt).
  • Lớp kết dính thường là xi măng hoặc keo.
  • Lớp lót sàn.
  • Sàn phụ (ván ép dày hơn cung cấp bề mặt ổn định cho phần còn lại của các lớp sàn).
Lớp lót sàn giúp tăng khả năng chống ồn hữu hiệu. Cre pic: MP Global Product.

(4) Treo xốp tiêu âm hoặc tấm tiêu âm:

Tùy thuộc vào kích thước và chất lượng, việc treo các tấm tiêu âm có thể khá đắt, nhưng chắc chắn đây là một trong những cách tốt nhất để cách âm căn phòng. Các tấm cách âm có khả năng hấp thụ âm thanh không mong muốn một cách xuất sắc và cũng có thể được sử dụng như các tác phẩm nghệ thuật trang trí hoặc tạo điểm nhấn xung quanh phòng hoặc căn hộ của mình.

Các tấm tiêu âm với chi phí nhẹ nhàng, không quá tốn kém, chẳng hạn như các tấm xốp, thường dễ lắp đặt và giúp hấp thụ âm thanh không mong muốn. Cre: Soundproof Expert
Các tấm tiêu âm chuyên dùng có chi phí đắt đỏ hơn nhưng đồng thời, cũng giúp nâng tầm chồng ồn cho căn phòng của bạn. Cre: IKEA, Rolling Stone, Amazon

Nếu có thêm một ít tiền, bạn có thể sử dụng những tấm tiêu âm có kích thước lớn hơn và được lắp đặt với phần cứng hạng nặng hoặc z-clip gắn phẳng. Chúng có thể được kết nối để tạo thành một tấm tiêu âm lớn duy nhất hoặc được được sử dụng độc lập với nhau.

Các tấm tiêu âm được đặt đúng vị trí có thể ngăn tiếng ồn phản xạ và giảm tiếng ồn. Vậy đặt ở đâu là đúng vị trí?

Theo nguyên tắc chung, bạn cần đặt các tấm tiêu âm ở bức tường đối diện của nguồn âm thanh để hấp thụ tối đa âm thanh cần tránh. Sự phản xạ âm thanh tuân theo các quy luật tương tự như phản xạ ánh sáng và phản xạ lại một góc bằng góc của âm thanh tới.

(5) Keo cách âm

Keo dán cách âm có thể được sử dụng cho cả tường và sàn. Keo cách âm là một loại polyme đàn hồi sử dụng nguyên lý giảm chấn giúp chuyển đổi năng lượng cơ học từ âm thanh thành nhiệt lượng nhỏ để giảm sự truyền tiếng ồn và thường được sử dụng giữa hai lớp vách thạch cao, tấm thạch cao hoặc giữa các lớp ván ép trong sàn. Khi hợp chất bị kẹp giữa hai lớp vật liệu cứng như vậy, nó sẽ tạo thành một hệ thống giảm chấn nên khi âm truyền qua cấu trúc, năng lượng bị tiêu tán dưới dạng nhiệt.

Cơ chế làm việc của keo cách âm. Cre pic: houseplanshelper
Keo GreenGlue được rất nhiều người lựa chọn khi nói đến keo cách âm. Cre pic: AcoustiGuard, GreenGlue

Chỉ cần một lớp Hợp chất chống ồn (chẳng hạn như GreenGlue) ở giữa hai tấm vách thạch cao thì có thể loại bỏ tới 90% tiếng ồn, ngay cả ở tần số thấp.

(6) Chú ý đến “cấp cách âm” của vật liệu:

Nếu bạn muốn thực hiện các biện pháp cách âm chính thức trong việc cải tạo, hãy kiểm tra “cấp cách âm” của vật liệu xây dựng và vật liệu nội thất mà bạn sẽ sử dụng. Một trong những chỉ số thông dụng hay được sử dụng khi nói đến thông số cách âm đó là STC – Sound Transmission Class. Đây là một đại lượng theo tiêu chuẩn của Mỹ, số STC càng cao thì khả năng cách âm càng tốt.

Cre thông tin: thespruce.com/soundproof-with-solid-doors

Kết luận: Trên đây là một số phương pháp phổ biến, dễ áp dụng để chống ồn hiệu quả cho ngôi nhà bạn. 


BÍ KÍP CHỐNG ỒN CHO NHÀ: PHẦN 1- BIỆN PHÁP GIẢM ỒN ĐƠN GIẢN MÀ HIỆU QUẢ