Bỏ qua để đến Nội dung

HÀ NỘI ĐƯỢC PHÉP XÂY NHÀ Ở CAO BAO NHIÊU TẦNG?

Nhu cầu về diện tích ở và xây nhà bao nhiêu tầng luôn là câu hỏi lớn với các Chủ nhà trước khi bắt tay vào kế hoạch xây dựng căn nhà mơ ước cho riêng mình, nhất là khi đất chật, người đông đang là tình hình chung hiện nay của nhiều thành phố lớn trên cả nước, cụ thể hơn là thủ đô Hà Nội. Tuy vậy, vẫn có rất nhiều Chủ nhà chưa quan tâm đến các quy định pháp luật liên quan đến số tầng được phép xây dựng là bao nhiêu.Do đó, để có thể lên kế hoạch chính xác và phù hợp nhất khi xây nhà, đừng bỏ lỡ bài viết này của MVC để nắm được các thông tin cần thiết về Chiều cao & số tầng xây dựng cho căn nhà bạn như thế nào nhé!

Hà Nội nhà dân được phép xây dựng tối đa bao nhiêu tầng?

Cần xem xét kĩ các Quy định liên quan đến số tầng và chiều cao tối đa có thể xây dựng để tránh các vấn đề phát sinh sau khi xây. 
  • Đối với nhà dân tại Hà Nội, trong mọi trường hợp nhà ở liên kế không được cao hơn 6 tầng. Trong các ngõ (hẻm) có chiều rộng nhỏ hơn 6 m, nhà ở liên kế không được xây cao quá 4 tầng.
  • Đối với nhà dân có lô đất diện tích lớn hơn 50m2, có chiều rộng mặt tiền lớn hơn 8m và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng lớn hơn 5m hoặc công trình xây dựng hai bên tuyến đường nằm trong khu vực quy hoạch hạn chế phát triển (tính từ đường vành đai 2 và trung tâm thành phố) thì được xây dựng 6 tầng, tổng chiều cao công trình 24m.
  • Thủ tục hồ sơ xin cấp phép Xây dựng: trước khi xây dựng Chủ nhà phải nộp hồ sơ xin phép xây dựng lên Ủy ban nhân dân cấp Quận (huyện) có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng thuộc địa bàn do mình quản lý.

Quy định về chiều cao & số tầng quy định trong việc xây nhà ở Hà Nội như thế nào?

- Đất diện tích 15m2 đến nhỏ hơn 30m2: Có chiều rộng mặt tiền từ 3m trở lên và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên thì được xây nhà cao nhất 4 tầng + 1 tum, tổng chiều cao công trình 12m. 

- Đất diện tích 30m2 đến nhỏ hơn 40m2: Có chiều rộng mặt tiền từ 3m trở lên và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 5m trở lên thì được xây nhà cao nhất 4 tầng + 1 tum, tổng chiều cao công trình 16m

- Đất diện tích 40m2 – 50m2: Có chiều rộng mặt tiền lớn hơn 3m đến dưới 8m và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 5m trở lên thì được cấp phép xây nhà 5 tầng + 1 tum, hoặc có mái chống nóng, tổng chiều cao công trình 20m

- Đất có diện tích lớn hơn 50m2: Có chiều rộng mặt tiền lớn hơn 8m và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng lớn hơn 5m hoặc công trình xây dựng hai bên tuyến đường trong khu vực trong khu vực quy hoạch hạn chế phát triển (tính từ đường vành đai 2 và trung tâm thành phố) thì được xây dựng 6 tầng, tổng chiều cao công trình 24m

Lưu ý:

Các quy định trên chỉ áp dụng với các công trình nhà ở liền kề. Tiêu chuẩn thiết kế quy định về chiều cao tại Hà Nội căn cứ vào quy định tại mục 5 tiểu mục 5.5 tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9411:2012

Nếu muốn xây nhà trên 6 tầng phải làm như thế nào? Có trong quy định cho phép hay không?

Ngoài ra các Công trình trên các tuyến đường, trục đường phố chính trong đô thị có chức năng Dịch vụ, văn phòng, … kết hợp nhà ở được phép xây dựng trên 6 tầng tùy vào quy hoạch chung của địa bàn khu vực, được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (cấp sở) cấp giấy phép xây dựng & phải được thẩm duyệt phương án thiết kế Phòng cháy chữa cháy cho công trình.

  • Chiều rộng lộ giới 12 ≤ L < 20, chỉ được phép tối đa 7 tầng, tầng 6 và 7 có khoảng lùi, thuộc trung tâm thành phố hoặc trung tâm cấp quận; lô đất lớn; nằm trên trục đường thương mại – dịch vụ chính của đô thị.
  • Chiều rộng lộ giới 20 ≤ L < 25, chỉ được phép tối đa 8 tầng, tầng 7 và 8 có khoảng lùi, thuộc trung tâm thành phố hoặc trung tâm cấp quận; lô đất lớn; nằm trên trục đường thương mại – dịch vụ chính của đô thị.
  • Chiều rộng lộ giới L ≥ 25, chỉ được phép tối đa 8 tầng, tầng 7 và 8 có khoảng lùi, thuộc trung tâm thành phố hoặc trung tâm cấp quận; lô đất lớn; nằm trên trục đường thương mại – dịch vụ chính của đô thị.

 Kết luận

Trên đây là một số thông tin cơ bản cần biết về quy định cho vấn đề số tầng và độ cao tối đa khi xây nhà tại Hà Nội thường bị bỏ sót trong quá trình xây dựng. 





Trồng cây trên mái: Ý tưởng và các lưu ý thiết kế cần biết