I. LÊN KẾ HOẠCH: 1~2 tháng
Một trong những điểm trọng yếu ngay từ khi chủ nhà có ý định xây dựng nhà phố là xác định được đúng tình trạng thực tế (nhà cửa, tài chính, thời gian thi công), các nhu cầu và mong muốn của bản thân và gia đình,
Một số công việc chính ở thời điểm này mà chủ nhà cần quan tâm có thể kể đến như:
1. Lên ý tưởng cho ngôi nhà mơ ước của gia đình:
Việc ghi nhận lại, xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và mong muốn của bản thân, gia đình, không chỉ nên gói gọn trong các một vài tác động ngắn hạn ở thời điểm hiện tại mà còn nên xem xét thêm các yếu tố tương lai và điều kiện xung quanh.
Thông qua việc chia sẻ các ý tưởng cho tổ ấm, chủ nhà cũng có dễ dàng hơn trong việc đánh giá liệu các nhà thầu thiết kế và xây dựng có khả năng đề xuất và đáp ứng đúng mong muốn của mình hay không.
Dưới đây là một vài gợi ý của Xây Tổ Ấm khi lên ý tưởng cho ngôi nhà mơ ước của mình:
- Chủ đề cho nhà mới
(Ví dụ): Tôi muốn sống trong một ngôi nhà thoải mái với gia đình tràn ngập tiếng cười!
- Yêu cầu phải đạt được khi xây dựng nhà
(Ví dụ): Đảm bảo tính riêng tư cho từng thành viên gia đình
(Ví dụ): Dễ bảo trì
(Ví dụ): Ít bị tác động bởi độ ẩm
- Nhu cầu tương lai (Sau 10 năm, 20 năm...)
(Ví dụ): Có thêm con
(Ví dụ): Tương lai sẽ cải tạo nâng tầng, hay để ô chờ lắp thêm thang máy
2. Lên Ngân sách & kế hoạch tài chính:
Chủ nhà cần xem xét lại các yếu tố như:
- Tổng ngân sách cho cả quá trình,
- Phân bổ nguồn tiền ( tiền tiết kiệm, mượn, vay vv…)
- Phân bổ chi phí cho từng hạng mục, giai đoạn sao cho hợp lí.
Ở giai đoạn này, chủ nhà có thể tham khảo các công trình có quy mô tương tự ở cùng khu vực, đồng thời tham khảo thêm về tình hình thị trường, vật giá vật liệu xây dựng để có thêm cơ sở đưa ra các ước tính phù hợp hơn.
Ngoài ra, cần có khoản dự trù chi phí phát sinh thêm từ 10-30% để có thể xử lý tốt các tình huống phát sinh ngoài dự kiến.
3. Chọn ảnh bố cục & phong cách thiết kế:
Từ các nhu cầu và mong muốn được đặt ra ở phía trên cùng với tình hình thực tế, chủ nhà có thể phác họa sơ về bố cục nhà và phong cách thiết kế, chẳng hạn:
- Số lượng phòng ốc,
- Vị trí bố trí mỗi phòng trong nhà,
- Các không gian thêm ngoài những phòng cơ bản như phòng gym, sân vườn, nhà kho hay gara xe hơi….
- Phong cách chủ đạo: Hiện đại (Modern), Tân cổ điển (Neo-classic), Bắc Âu (Scandinavian), Đông Dương (Indochina) ….
4. Lên lịch trình dự kiến:
Chủ nhà cần xem xét nhiều yếu tố để có thể ấn định sơ lược về lịch trình dự kiến, ví dụ như:
- Lịch làm việc: sắp xếp thời gian hợp lý, tránh thời gian làm việc bận rộn
- Lịch sinh hoạt: lịch sinh em bé, thay đổi địa điểm sinh hoạt...
- Các vấn đề liên quan đến Phong thủy như Tuổi tác, kiêng kị vvv....
- Các yếu tố liên quan đến thời tiết như nắng, mưa, nồm
5. Khảo sát hiện trạng đất
Đối với các chủ nhà muốn xây dựng trên mảnh đất khác, trước khi mua đất, chủ nhà cần kiểm tra cẩn thận các vấn đề liên quan như:
- Phong thủy, Địa, Hướng: khá phổ biến & quan trọng đối với người Việt Nam, nó liên quan đến sức khỏe, công việc làm ăn...
- Giá cả, Tình trạng thị trường: tương lai khu vực đó có phát triển hay không, thời điểm mua có tốt hay không…
- Đất có thuộc dự án Chính Phủ hay không, có liên quan các vấn đề quy hoạch hay không
- Đất có đang gặp các vấn đề xấu như đang tranh chấp hay không
- Quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.
Đối với các chủ nhà xây dựng trên đất hiện có, chủ nhà cần khảo sát lại tình trạng đất và lịch sử xây dựng nhà cùng các vấn đề liên quan như vách chung với hàng xóm, hệ thống cấp thoát nước, quy hoạch đô thị tại nơi ở vv…
II. CHỌN NHÀ THẦU THIẾT KẾ: ~ 1 tháng
1. Tham khảo thông tin và portfolio/ các dự án trước đây:
Nhà thầu thiết kế vô cùng quan trọng trong quá trình xây nhà. Đây chính là người sẽ nhào nặn các mong muốn, ý tưởng của chủ nhà cùng các yếu tố kiến trúc chuyên môn để vẽ nên hình hài và cấu trúc chi tiết cho ngôi nhà. Vì thế, chủ nhà cần lựa chọn Kiến trúc sư, đơn vị thiết kế một cách hết sức cẩn trọng. Việc tham khảo thông tin và các dự án trước đây là hết sức quan trọng để có thể có cái nhìn chi tiết về năng lực và phong cách nhà thầu, liệu có phù hợp với bản thân hay không.
2. Chia sẻ thông tin cụ thể:
Khi trao đổi với đơn vị thiết kế, chủ nhà cần chia sẻ thật chi tiết về những thông tin đã ghi nhận ở giai đoạn Lên kế hoạch, từ tình trạng đất, nhà, tài chính và các nhu cầu thiết kế xây dựng đến cả các băn khoăn, thắc mắc, chẳng hạn như về vấn đề quy định xây dựng, phong thủy vv…. để được tư vấn, nhận báo giá và có các thảo luận nếu cần thiết.
Giai đoạn này sẽ giúp chủ nhà phần nào hiểu được và đánh giá sơ lược về cách thức làm việc, chăm sóc khách hàng từ đơn vị thiết kế.
3. Lựa chọn và kí hợp đồng thiết kế:
Trong cả quá trình lựa chọn, chỉ gặp 1-2 đơn vị thiết kế nhất định sẽ khó có cơ sở để chủ nhà so sánh, trong khi gặp quá nhiều đơn vị lại tốn quá nhiều thời gian và quá nhiều thông tin gây rối. Do đó, con số phù hợp mà chuyên gia Xây Tổ Ấm gợi ý cho các chủ nhà là 3 đơn vị thiết kế để gặp và trao đổi, lấy báo giá sau khi đã xem xét các yếu tố về thông tin, năng lực và phong cách từ trước.
Sau cùng, khi đã so sánh, lựa chọn và chốt được giá cùng các yếu tố khác liên quan, chủ nhà sẽ kí kết hợp đồng và bắt đầu bước vào giai đoạn thiết kế.
III. THIẾT KẾ: 1~3 tháng
Đây là bước vô cùng quan trọng trong cả quy trình xây dựng. Bởi lẽ, bản vẽ sẽ là “kim chỉ nam” cho đơn vị thi công thực hiện, là “thước đo” để đánh giá và giám sát công trình, và quan trọng hơn hết, là một phần không thể thiếu trong bộ hồ sơ xin giấy phép xây dựng.
Ở giai đoạn này, nhiệm vụ chính được đảm nhiệm bởi đơn vị thiết kế và chủ nhà sẽ đóng vai trò là người kiểm tra và bảo đảm ý tưởng và nhu cầu của mình được phản ánh chính xác và đầy đủ nhất trên bản vẽ. Chủ nhà có thể tham khảo một số điểm chính yếu cần thiết trong quá trình thực hiện thiết kế như sau:
1. Lên ý tưởng & kế hoạch:
- Nghe Đơn vị thiết kế đề xuất một vài gợi ý, nội bộ gia đình thảo luận và thống nhất phong cách phù hợp.
- Chia sẻ lần nữa nhu cầu và mong muốn chi tiết của gia đình với Đơn vị thiết kế, nhận bản vẽ layout, thảo luận và chỉnh sửa.
- Xác nhận phương án lần cuối, thực hiện phối cảnh 3D mặt đứng và mặt cắt.
- Chốt concept 3D cho thiết kế.
2. Thiết kế chi tiết:
- Tham khảo & lựa chọn vật liệu, thiết bị với Đơn vị thiết kế
- Áp dụng các phương án lựa chọn lên hình ảnh 3D để đánh giá, ước tính tổng kinh phí. Sau đó, có thể thay đổi loại vật liệu có phân khúc thấp hơn, hoặc tương tự rẻ hơn nhưng có thể giữ nguyên phong cách.
- Đi tham quan một số showroom, cửa hàng để xem chất liệu thực tế
- Xác nhận bản vẽ chi tiết kiến trúc, kết cấu, MEP, nội thất và nội thất 3D
- Hoàn thiện & bàn giao Bản vẽ thiết kế,
- Thanh toán